Các mức xử phạt hành vi gian lận thuế

trang web tong cuc thue

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế -Tổng cục Thuế Vũ Văn Cường, bên cạnh việc tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp (DN) theo cơ chế DN tự tính, tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm, cơ quan Thuế các cấp đã và đang được trang bị nhiều công cụ để đấu tranh với các hành vi gian lận thuế, gây thất thu Ngân sách nhà nước (NSNN).

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Vũ Văn Cường dẫn chứng những chế tài đã được tăng hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý. Theo đó, hiện Tổng cục Thuế đã đề xuất với Bộ Tài chính xây dựng các văn bản hướng dẫn các quy định mới về quản lý thuế theo hướng sẽ gia tăng chế tài xử phạt đối với các DN vi phạm pháp luật thuế.

Đơn cử như đối với các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế trước đây có 7 biện pháp cưỡng chế thuế và phải thực hiện tuần tự từng biện pháp. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế quy định theo hướng: Bổ sung biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu; Trường hợp người nộp thuế có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản thì cơ quan quản lý thuế được lựa chọn áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để đảm bảo thu hồi nợ thuế kịp thời…

Đồng thời, nâng mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế theo mức luỹ tiến: 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày, 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày. Nâng mức xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn từ 10% lên 20%.

Đối với trường hợp người nộp thuế được nộp dần tiền nợ thuế trong một khoảng thời gian nhất định (có tính tiền chậm nộp 0,05%/ngày tương đương 1,5%/tháng, 18%/năm). Việc nộp dần tiền thuế được thực hiện trên cơ sở có cam kết của người nộp thuế và bảo lãnh của tổ chức tín dụng để giảm các trường hợp phải cưỡng chế thuế và hỗ trợ cho người nộp thuế, đặc biệt là trong các trường hợp người nộp thuế có số tiền nợ thuế lớn (do bị phạt từ 1 lần đến 3 lần thuế) và có khó khăn về tài chính trong ngắn hạn.

Ngoài ra, về thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về thuế, theo quy định trước đây thì các quy định về quản lý thuế trong đó có xử lý vi phạm pháp luật về thuế đều được quy định tại các luật chính sách, trong đó Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế Thu nhập DN năm 2003 quy định thời hiệu truy thu thuế là 5 năm trở về trước. Nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đã bổ sung quy định áp dụng thời hạn truy thu thuế là 10 năm, kể từ ngày kiểm tra phát hiện để phù hợp quy định lưu trữ chứng từ trong Luật Kế toán.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Vũ Văn Cường cho rằng, công tác kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế cũng sẽ được thực hiện theo tiêu thức đánh giá rủi ro; theo chuyên đề, kế hoạch hàng năm do Thủ trưởng cơ quan thuế cấp trên phê duyệt và kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế không quá 1 lần trong năm. Theo đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về DN, phân loại DN thành các các nhóm tuân thủ tốt, trung bình, kém.

Trên cơ sở đó, cơ quan Thuế tập trung thanh, kiểm tra nhóm DN có nguy cơ cao về vi phạm. các DN kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản sử dụng các hóa đơn bán hàng của các DN có trụ sở tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu; các DN mới thành lập đăng ký kinh doanh đa ngành nghề nhưng số vốn đăng ký thấp; các DN có quy mô kinh doanh bất hợp lý (quy mô kinh doanh cao gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu); các DN có giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ.

Cơ quan Thuế sẽ thực hiện kiểm tra đối với các DN mới thành lập có địa điểm kinh doanh không cố định (chuyển địa điểm kinh doanh nhiều lần sau 1-2 năm hoạt động. Đồng thời, thực hiện cảnh báo các DN không còn sản xuất, kinh doanh đối với các DN không nộp tờ khai thuế theo quy định. Sau 10 ngày kể từ khi đã cảnh báo DN vẫn không nộp tờ khai thuế thì tổ chức kiểm tra và thông báo kịp thời danh sách các DN không còn sản xuất, kinh doanh và các hóa đơn DN chưa sử dụng thời điểm đó (hóa đơn không còn giá trị sử dụng).

Bên cạnh đó, thể hiện quyết tâm trong việc đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật thuế, khi góp ý cho dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, trong công văn gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mới đây, Bộ Tài chính đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra ban đầu cho cơ quan Thuế đối với tội trốn thuế, nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan Thuế trong xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng, qua đó tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Theo Baohaiquan.vn

Phạt 20% số tiền thuế khi khai sai thuế

gia han nop thue

 

Asadona trả lời một số khách hàng hỏi về mức phạt khi khai sai thuế.

Mức phạt khi khai sai thuế

Theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, người nộp thuế là tổ chức, cá nhân khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì bị phạt 20% số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm cao hơn so với quy định.

Theo Nghị định, có 4 trường hợp khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, gồm:- Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, tăng số thuế được miễn, giảm nhưng người nộp thuế đã ghi chép kịp thời, đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hoá đơn, chứng từ.

– Hành vi khai sai của người nộp thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm không thuộc trường hợp quy định nêu trên nhưng khi bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, người vi phạm đã tự giác nộp đủ số tiền thuế khai thiếu vào ngân sách Nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thuế hoặc cơ quan thuế lập biên bản kiểm tra thuế, kết luận thanh tra thuế.

– Hành vi khai sai của người nộp thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản kiểm tra thuế, kết luận thanh tra thuế xác định là có hành vi khai man trốn thuế, nhưng người nộp thuế vi phạm lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách Nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt thì cơ quan thuế lập biên bản ghi nhận để xác định lại hành vi khai thiếu thuế.

– Sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hoá đơn bất hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.

Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm nêu trên là 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được hoàn, số thuế được miễn, giảm cao hơn so với quy định của pháp luật thuế.

Phạt nặng hành vi trốn thuế

Nghị định cũng quy định trường hợp người nộp thuế là tổ chức có một trong các hành vi: Sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp; sử dụng bất hợp pháp hoá đơn, chứng từ; hoá đơn không có giá trị sử dụng để kê khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm; huỷ bỏ chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm…; nếu vi phạm lần đầu (không thuộc 4 trường hợp khai sai kể trên), hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên thì mức phạt tiền là 1 lần tính trên số thuế trốn, gian lận.

Nghị định cũng quy định cụ thể một số trường hợp phạt tiền từ 1,5-3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với tổ chức vi phạm nhiều lần hoặc có tình tiết tăng nặng. Trong đó, sẽ phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với tổ chức khi vi phạm từ lần thứ hai mà có 2 tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ 3 có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ tư trở đi.

Nếu cá nhân vi phạm thì mức phạt bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.